Mặt trận với cơ chế giám sát, phản biện trong năm mới
Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với báo chí nhân dịp năm mới.
- Thưa ông, Nghị quyết TƯ 4 khóa 12 nhấn mạnh việc: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”. Với vai trò là đại diện cho các tầng lớp nhân dân, MTTQ sẽ giám sát các cấp, các ngành cũng như cán bộ, đảng viên thực hiện vấn đề này như thế nào?
Mặt trận xác định, phải làm cho việc giám sát, phản biện có cơ sở pháp lý tốt hơn, hiệu quả hơn bằng cách phối hợp cùng với các ban Đảng, Ban Tổ chức, Ủy ban Kiểm tra, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, cơ quan nhà nước như Bộ Nội vụ, VPCP tổng kết 3 năm thực hiện quyết định 217 của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện, quyết định 218 về xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.
Trên cơ sở đó, sẽ kiến nghị những nội dung cần bổ sung cho hai quyết định này để tạo thành cơ chế triển khai trong Đảng.
Đoàn Chủ tịch với UB Thường vụ QH cũng sẽ có nghị quyết liên tịch về triển khai công tác giám sát, phản biện xã hội trong Mặt trận và các tổ chức thành viên. Nếu có nghị quyết liên tịch thì đây là văn bản có tính chỉ đạo về mặt pháp luật.
Có được điều này rất tốt vì yêu cầu đầu tiên của nghị quyết TƯ 4 đối với Mặt trận là phải hoàn thiện thể chế liên quan đến công tác giám sát, phản biện.
Mặt trận cũng sẽ triển khai các nhiệm vụ giám sát đã thống nhất với Chính phủ trong 5 năm. Bên cạnh đó, tăng cường nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát ở cơ sở, đó là các hoạt động thanh tra nhân dân, giám sát đầu tư cộng đồng. Đây là công việc không lớn ở địa phương nhưng góp phần làm yên dân, nâng cao hiệu quả.
Công việc lớn tiếp theo cần phải làm tốt hơn nữa là lắng nghe ý kiến, lấy ý kiến của nhân dân. Chúng tôi xác định Mặt trận và các tổ chức thành viên là nơi tiếp nhận phản ánh ý kiến của người dân về những biểu hiện suy thoái tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Mặt trận các cấp sẽ chọn lọc những ý kiến được sự quan tâm sâu sắc, có cơ sở kiến nghị thì chuyển sang cơ quan chính quyền các cấp để giải quyết. Còn những ý kiến nào rất đáng quan tâm nhưng có thể chưa đầy đủ cơ sở sẽ chuyển sang cơ quan của Đảng để nghiên cứu kết luận, xử lý. Khi có kết quả sẽ báo lại nhân dân biết.
Mặt trận cũng sẽ thường xuyên quan tâm đến thông tin báo chí phản ánh để phát hiện các hiện tượng suy thoái, tự diễn biến, chọn lọc những sự việc nào rất quan tâm, có chứng cứ sẽ có kiến nghị với các cơ quan để giải quyết.
Đã khơi dậy tấm lòng của nhân dân
- Nhìn lại quãng thời gian 1 năm qua, theo ông, đâu là những dấu ấn mới, quan trọng của MTTQ trong việc gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc?
MTTQ đã làm gì trong năm 2016, tốt nhất để nhân dân đánh giá. Còn về hoạt động có mấy sự kiện lớn phản ánh nỗ lực của Mặt trận với sự lãnh đạo của Đảng, phát huy đại đoàn kết dân tộc.
Hoạt động lớn đầu tiên là vận động tuyên truyền nhân dân tham gia bầu cử, bầu ra người lãnh đạo các cấp để lo cho mình, lo cho đất nước. Kết quả bầu cử rất cao, là công sức của cả hệ thống chính trị, trong đó có MTTQ VN.
Mặt trận cũng hình thành 1 đề án, 1 cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cho giai đoạn mới. Cuộc vận động được chuẩn bị bài bản, ý Đảng, lòng dân, Chính phủ có chương trình triển khai…
Năm 2016 không may, nước ta có quá nhiều thiên tai. Khi xảy ra sự cố môi trường ở miền Trung, hạn hán xâm nhập mặn, Mặt trận cùng với 7 tổ chức khác đã ký chương trình phối hợp để vận động, cứu trợ đồng bào.
Chúng tôi đặt ra chỉ tiêu, trong nửa triệu hộ dân bị ảnh hưởng sẽ hỗ trợ 45 nghìn hộ và vận động được khoảng 80 tỷ.
Với sự vào cuộc quyết liệt của 8 tổ chức đã khơi dậy tấm lòng của nhân dân và đạt được những kết quả rất tốt. Không phải chỉ 45 nghìn hộ mà 1.193 nghìn hộ đã được hỗ trợ, số tiền không phải 80 tỷ mà là 204 tỷ.
Cùng với đó, Mặt trận tiếp tục triển khai những cuộc giám sát lớn về an toàn thực phẩm; giải quyết khiếu nại, tố cáo gắn với tư vấn cho người khiếu nại, tố cáo… Qua báo cáo, tất cả các tỉnh, thành đã triển khai giám sát, phản biện.
Đây là kết quả rất đáng mừng và trân trọng vì có giám sát, phản biện người dân mới yên tâm, thấy được chính quyền thực sự vì dân và mình có tiếng nói góp phần giúp chính quyền ngày càng vững mạnh.
Cuối cùng, nói đến đại đoàn kết, chúng ta phải nhớ hiện có 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có 500 nghìn người về thăm đất nước năm vừa rồi. Chúng ta trân trọng tình cảm nhớ quê hương, giữ gìn văn hóa, đầu tư về nước… của kiều bào.
Sắp tới, Mặt trận sẽ đẩy mạnh việc huy động đóng góp về trí tuệ của kiều bào cho sự phát triển đất nước.
TheoVietnamNet