Hàng hóa "rủ nhau" tăng giá theo xăng, điện!

11:13 01/03/2020

Giá nhiều loại sản phẩm thiết yếu trên thị trường Hà Tĩnh đang tiếp tục đà đi lên sau khi giá điện và xăng được điều chỉnh. Theo đó, các chi phí sinh hoạt cũng “đội” lên đáng kể làm người nội trợ càng khó khăn trong chi tiêu.

Giá xăng đã tăng mạnh 3 lần liên tiếp, hiện xăng E5 RON92 ở mức 20.688 đồng/lít, xăng RON95-III 22.191 đồng/lít và dầu diesel 0.05S ở mức 17.695 đồng/lít.

Chỉ trong vòng hơn một tháng (từ 18/3 đến 2/5), giá xăng đã tăng 3 lần liên tiếp, hiện xăng E5RON92 ở mức 20.688 đồng/lít, xăng RON95-III 22.191 đồng/lít và dầu diesel 0.05S ở mức 17.695 đồng/lít; cộng theo giá điện "leo thang" đã khiến nhiều mặt hàng phục vụ đời sống được đà tăng giá so với thời điểm trước đó.

Chị Trịnh Thuỳ Dương (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Các bà nội trợ như tôi đang phải "méo mặt" vì giá các mặt hàng thiết yếu như rau, gạo, sữa... cũng tăng theo giá điện, giá xăng."

Những ngày gần đây, giá bán rau xanh bắt đầu tăng, đặc biệt là các loại rau vận chuyển từ phía Bắc về.

Ghi nhận hàng hóa tại các chợ dân sinh ở TP Hà Tĩnh tăng mạnh, nhất là rau quả tươi sống, hải sản. Cụ thể, hành lá, cà rốt, bắp cải tím, khoai tây… tăng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg tuỳ loại; hải sản tươi như sò, ngao, mực, tôm tít, cá… tăng từ 3.000 – 10.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Thị Mai – tiểu thương kinh doanh rau, củ chợ TP Hà Tĩnh cho biết: "Nguyên nhân là vì các chủ kinh doanh tại chợ đầu mối phía Bắc lấy lý do điện, xăng tăng nên đẩy phí vận chuyển, bảo quản lên cao hơn. Người bán như tôi mắc vào thế khó, nếu không tăng giá các sản phẩm thì cũng khó có lời, mà tăng giá đột ngột thì mất hẳn một lượng khách, vì đợt này ai cũng đang thắt chặt chi tiêu”.

Hải sản tăng giá theo vì hoạt động đánh bắt phụ thuộc nhiều vào xăng dầu

Cùng với đó, việc giá xăng dầu, giá điện tăng cao như hiện nay rất có thể khiến giá bán nhiều mặt hàng trong siêu thị thời gian tới sẽ tăng theo. Được biết, siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh đã nhận được báo giá mới của nhà cung cấp hàng tiêu dùng và nguyên phụ liệu bao gói hàng hóa. Các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, đại lý phân phối cũng đã nhận được thông báo tăng giá của một số mặt hàng, trong đó có sữa Vinamilk.

Không chỉ các mặt hàng tiêu dùng tăng giá mà các sản phẩm khác như xi măng, sắt thép… cũng được điều chỉnh. Theo thông tin từ nhiều chủ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng tại Hà Tĩnh, ngay từ đầu tháng 4, các doanh nghiệp sản xuất xi măng như Vissai Ninh Bình, Xi măng Sông Lam, Xi măng Đồng Lâm,… đã có thông báo tăng giá bán ra thị trường, với mức tăng từ 20.000 - 50.000 đồng/tấn. Sắt thép xây dựng tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn tuỳ loại.

Sắt thép xây dựng tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn tuỳ loại

Anh Nguyễn Văn Nam – một chủ thầu ở Can Lộc cho biết: “Thời điểm này, giá thép, xi măng, cát đều ồ ạt tăng cao, giá cước vận chuyển hàng hoá cũng đồng loạt lên giá khiến chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Chi phí đầu vào tăng dẫn đến chi phí công trình cũng bị đội lên nhiều, có khi phải thương lượng với người dân tạm dừng thi công đối với một số công trình để chờ giá cả “hạ nhiệt”.

Ông Võ Tá Nghĩa – Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương Hà Tĩnh) cho biết: “Tăng giá 2 mặt hàng xăng và điện đang có tác động lan truyền đến tất cả các mặt hàng hóa khác. Bởi các hoạt động đều sử dụng trực tiếp và gián tiếp nguồn xăng dầu và điện”.

Người dân cần xem xét chi tiêu cho các sản phẩm thiết yếu, kết hợp với các giải pháp khác để cân đối hoạt động sinh hoạt của gia đình.

Để thị trường ổn định, bên cạnh các chính sách điều tiết của các cấp, ngành, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cần điều chỉnh hoạt động sản xuất, giảm bớt tiêu hao năng lượng; tính toán phương án vận tải tiết kiệm nhằm giảm chi phí sản xuất. Đối với người dân, cần có phương án tiết kiệm điện hiệu quả trong mùa nắng nóng và chính sách chi tiêu hợp lý để cân đối hoạt động sinh hoạt của gia đình.

Theo BHT



Ý kiến bạn đọc