Quốc hội thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

10:14 10/11/2022

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, sáng 10/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc

Sau khi nghe Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thanh Tùng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, 443 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua luật, chiếm 88,96%. Như vậy, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã chính thức được thông qua với tỷ lệ tán thành cao.

Ủy viên Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thanh Tùng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Dân chủ là phương thức để Nhân dân phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích và quyền lực của mình để tham gia vào các hoạt động của Nhà nước và xã hội.

Ngày 20/4/2007, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Chính phủ đã ban hành một số nghị định về quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác cũng có quy định có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, các quy định này còn tản mạn, chưa thật sự đầy đủ và cập nhật với chủ trương, quan điểm đổi mới của Đảng.

Toàn cảnh phiên biểu quyết thông qua luật.

Việc Quốc hội ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở với phạm vi bao quát, toàn diện nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở được nhấn mạnh trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa quyền làm chủ của Nhân dân, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, trên cơ sở đó góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh tham gia tại kỳ họp.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có 6 chương, 91 điều, quy định cụ thể những quy định chung; thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động; tổ chức thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; điều khoản thi hành.

Luật có các điểm mới, như: Quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, trong đó bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở; quyền khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở, quyền thụ hưởng thành quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nghĩa vụ kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Quy định phạm vi thực hiện dân chủ đối với từng loại hình cơ sở; quy định hình thức chế tài xử lý vi phạm đối với từng nhóm chủ thể và hành vi vi phạm.

Thực hiện dân chủ tại xã, phường, thị trấn với một số điểm quy định đáng chú ý như: mở rộng phạm vi công khai thông tin ở cấp xã; đa dạng hóa hình thức công khai thông tin ở cấp xã; mở rộng dân chủ trực tiếp tại cấp xã theo hướng bổ sung các vấn đề Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; quy định về sáng kiến đề xuất của Nhân dân; quy định về hình thức văn bản của cộng đồng dân cư; thay đổi thẩm quyền công nhận hương ước, quy ước của thôn, tổ dân phố; bổ sung quy định về trách nhiệm lấy ý kiến Nhân dân, ý kiến của đối tượng chịu sự tác động khi ban hành các quyết định hành chính liên quan đến lợi ích của cộng đồng; nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục Nhân dân kiểm tra và Nhân dân giám sát.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia phát biểu góp ý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại phiên thảo luận ngày 22/10/2022.

Thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị bổ sung các hình thức công khai thông tin, lấy ý kiến thông qua hệ thống thông tin nội bộ, đăng trên cổng, trang thông tin của cơ quan, đơn vị; quy định theo hướng có sự phân biệt về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục cán bộ, công chức, viên chức kiểm tra và giám sát; bổ sung hình thức giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, đơn vị theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhà nước, luật quy định rõ nội dung, hình thức, thời điểm phải công khai thông tin; nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục người lao động tham gia ý kiến, bàn, quyết định, kiểm tra và giám sát. Doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước, tùy theo đặc điểm, tính chất tổ chức, hoạt động và điều kiện thực tế của tổ chức, được quyền lựa chọn áp dụng các quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp nhà nước; thông báo đến tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp, tổ chức và công khai nội dung áp dụng để người lao động được biết.

Trách nhiệm tổ chức thực hiện dân chủ ở cơ sở, được luật quy định các biện pháp bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở; quy định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội khác trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Luật tiếp tục quy định về việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay; không quy định về thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.

Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Luật sẽ góp phần tiếp tục bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; khẳng định bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, Nhân dân là người chủ của đất nước.

Tiếp theo chương trình kỳ họp, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Nguồn: Baohatinh.vn

https://baohatinh.vn/chinh-quyen/quoc-hoi-thong-qua-luat-thuc-hien-dan-chu-o-co-so/240108.htm



Ý kiến bạn đọc